RAM: 16GB 1866MHz LPDDR3 memory
Storage: 512GB PCIe3.0 SSD
Màn hình: 15" 3240x2160 260 PPI PixelSense Touchscreen
VGA: NVIDIA GeForce GTX-1060 (6GB) + Intel UHD Graphics 620
Interface: 2x USB-Type A, USB-Type C, SurfaceConnect, 3.5 Audio
Connectivity: 802.11a/b/g/n/ac Wi-Fi, Bluetooth 4.1
Camera: 5.0MP Hello face front, 8.0MP rear 1080p HD Video Rec
Trọng Lượng: 1.91Kg ((bao gồm dock bàn phím)
####
#Microsoft đã bất ngờ ra mắt Surface Book 2 với 2 phiên bản 13,5″ và 15″. Mặc dù có thiết kế không đổi nhưng Microsoft đã trang bị cho máy cấu hình rất mới với CPU Core i thế hệ 8 và đặc biệt là tùy chọn GPU thế hệ Pascal gồm GTX 1050 trên bản 13,5″ và GTX 1060 trên bản 15″.
Dưới đây là những so sánh về thông số và cấu hình giữa 2 thế hệ Surface Book đồng thời mình cũng chia sẻ những nhận định của mình về phiên bản mới này.
So sánh cấu hình và các thông số Surface Book 2 15 inch và Surface Book đời đầu:
Từ đây anh em có thể thấy Surface Book 2 15 inch mặc dù đã được nâng cấp đáng kể về phần cứng nhưng Microsoft vẫn cố gắng giữ trọng lượng nhẹ, hầu như không nặng hơn Surface Book đời đầu (giờ gọi là Surface Book 1) là bao. Độ mỏng của cả 2 phiên bản cũng khá tương đương, cạnh trước máy khi đóng màn hình vào dock bàn phím mỏng từ 13 đến 15 mm tùy phiên bản trong khi cạnh sau (bản lề) dày 23 mm.
Surface Book 2
Ở thế hệ Surface Book 2, Microsoft tiếp tục trang bị màn hình PixelSense cho cả 2 phiên bản 13,5″ và 15″ với độ phân giải và mật độ điểm ảnh trên phiên bản 13,5″ như cũ, riêng phiên bản 15″ có độ phân giải cao hơn nhằm đảo bảo mật độ điểm ảnh đạt 260 ppi, chỉ thấp hơn 7 ppi so với phiên bản 13,5″. Màn hình cũng hỗ trợ cảm ứng 10 điểm chạm, Microsoft gọi là G5 có lẽ là thế hệ mới, hỗ trợ Surface Pen và Surface Dial như thế hệ Surface Book trước.
Riêng cổng kết nối trên Surface Book 2 thì đây là thế hệ Surface đầu tiên được Microsoft trang bị cổng USB-C. Chuẩn cổng này hiện đang dần trở nên phổ biến hơn trên laptop và việc Surface Laptop ra mắt cách đây vài tháng không có USB-C đã khiến người dùng không hài lòng. Tuy nhiên, điều đáng nói là cổng USB-C này không hỗ trợ Thunderbolt 3 – một kết nối thường có trên những chiếc laptop cao cấp. Mình nghĩ có 2 lý do khiến Microsoft không trang bị Thunderbolt 3 cho Surface Book 2 mà thay vào đó chỉ là USB 3.1 Gen1 (5 Gbps).
1 là Surface Book 2 đã có các tùy chọn GPU GeForce GTX mạnh mẽ hơn bên cạnh các phiên bản dùng GPU tích hợp theo chip Intel. Vì vậy nếu người dùng cần năng lực đồ họa thì việc không hỗ trợ Thunderbolt 3 sẽ định hướng người dùng đến Surface Book 2 bản 15″ với GTX 1060 6 GB GDDR5 – đủ để chiến nhiều tựa game, chạy được nhiều tác vụ đồ họa nặng và hỗ trợ VR. 2 là Surface Book 2 vẫn có cổng Surface Connect – đây là một cổng kết nối dùng băng thông PCIe do Microsoft thiết kế riêng. Giả dụ như Microsoft có làm một chiếc dock card đồ họa gắn ngoài thì sẽ hợp lý hơn khi chiếc dock này dùng cổng Surface Connect, tương tự như các loại dock dành cho Surface xưa nay. Điều này cũng đảm bảo rằng chiếc dock sẽ có thể tương thích với các thế hệ Surface cũ.
Microsoft đã thêm USB-C đồng thời loại bỏ cổng trình xuất Mini DisplayPort vốn xuất hiện từ lâu trên dòng Surface. Như vậy để trình chiếu thì chúng ta buộc phải dùng các loại cáp USB-C ra DisplayPort theo mình thấy thì loại cáp này chưa phổ biến, giá có thể sẽ đắt và việc tìm mua sẽ khó khăn hơn so với một sợi cáp mini DisplayPort ra DisplayPort tiêu chuẩn.
Ngoài ra, jack âm thanh 3,5 mm trên Surface Book 2 cũng sẽ hỗ trợ công nghệ giả lập âm thanh vòm như rạp phim Dolby Atmos cho tai nghe. Một sổ sung nhỏ nữa là trên phiên bản 15″, Microsoft tích hợp giao thức Xbox Wireless – cho phép kết nối với tất cả các phụ kiện không dây thuộc hệ sinh thái Xbox One như tay cầm Xbox Wireless, các loại tay cầm đến từ đối tác của Microsoft như Razer, SteelSeries, tai nghe không dây của Astro, HyperX, Plantronics …
Chuyển sang cấu hình thì đây là phần thú vị nhất khi Surface Book 2 là dòng Surface đầu tiên được trang bị vi xử lý Core i thế hệ 8 (Intel gọi là thế hệ Kaby Lake-R) và lần đầu tiên có tùy chọn GPU thuộc thế hệ Pascal của Nvidia gồm GTX 1050 và GTX 1060. Thật sự với những trang bị này thì Surface Book 2 sẽ có thể cạnh tranh sòng phẳng hơn với MacBook Pro cũng như nhiều dòng máy khác đến từ các OEM của Microsoft.
Surface Book 2 phiên bản 13,5″ sẽ có các tùy chọn Core i5-7300U và Core i7-8650U, tùy chọn GPU rời GTX 1050 chỉ có trên phiên bản Core i7. Riêng phiên bản 15″ chỉ chạy Core i7-8650U đi kèm với GPU rời GTX 1060.
Core i5-7300U là phiên bản CPU khá mới thuộc thế hệ Kaby Lake, tính ra chỉ mới được Intel bán hồi đầu năm và mạnh hơn đôi chút so với phiên bản Core i5-7200U vốn rất phổ biến trên nhiều dòng laptop. Microsoft đáng ra phải chơi luôn phiên bản Core i5-8350U 4 nhân 8 luồng thay cho Core i5-7300U nhưng có lẽ đây là chiến lược nhằm chia phân khúc thị trường cho Surface Book 2.
Riêng Core i7-8650U thì hiện tại đây là con CPU dành cho laptop xịn nhất trong dòng Core i thế hệ 8 hay Kaby Lake-R. Loạt phiên bản CPU Kaby Lake-R cho laptop được Intel tiết lộ gần đây đều có 4 nhân 8 luồng, xung nhịp cơ bản khá thấp nhưng lại có 2 mức Turbo Boost cho phép đẩy lên xung 4,2 GHz (đơn nhân). Ngoài ra bộ đệm L3 tăng đến 8 MB, hỗ trợ cả DRAM DDR4-2400 MHz hoặc LPDDR3-2133 MHz. Mặc dù vậy, Microsoft vẫn chỉ trang bị bộ nhớ RAM LPDDR3 cho Surface Book 2 và mục tiêu duy nhất không gì khác ngoài tiết kiệm điện năng. Intel hứa hẹn dòng CPU mới này sẽ có hiệu năng cao hơn 40% so với các phiên bản thay thế thuộc thế hệ Kaby Lake-U với cùng mức TDP 15 W.
Ảnh: The Next Web.
Về phần GPU, Microsoft lại dùng chiêu cũ là đưa GPU vào dock bàn phím, tương tự như phiên bản Surface Book Performance Base với GTX 965M. Chiếc dock có nhiều không gian hơn dành cho hệ thống tản nhiệt GPU và pin đủ lớn dùng cho cấu hình GPU rời. Như hình trên chụp tại buổi ra mắt, Microsoft thiết kế hệ thống tản nhiệt 1 ống đồng 2 quạt 2 heatsink cho GPU GTX 1060 trên phiên bản 15″.
GPU rời về cơ bản vẫn chạy ở PCIe 3.0 x16 nhờ kết nối Surface Connect. Trong bảng cấu hình anh em có thấy 2 x Surface Connect không? Nó gồm 1 cổng kết nối giữa màn hình và dock bàn phím và 1 cổng dùng cho dock gắn ngoài cũng như cổng sạc. Như vậy khi tháo màn hình ra khỏi dock bàn phím và dùng như máy tính bảng thì GPU tự động chuyển sang tích hợp, cụ thể là Intel HD Graphics 620 hay UHD Graphics 620.
GTX 1050 2 GB GDDR5 và GTX 1060 6 GB GDDR5 lần lượt là GPU tầm trung và trung cao cấp trên laptop. Nếu so với GTX 965M trên phiên bản Surface Book Performance Base thì GTX 1050 được cho là có hiệu năng tương đương trong khi GTX 1060 thì mạnh hơn cả GTX 980M. GTX 1060 thường có trên những chiếc laptop chơi game trung cao cấp hoặc cao cấp với thiết kế mỏng. Cũng cần lưu ý là với phiên bản GTX 1060, hiện tại trang bị trên laptop có 2 phiên bản 1 là tiêu chuẩn với xung nhịp tối đa 1708 MHz, 2 là phiên bản Max-Q với xung nhịp thấp hơn nhằm đảm bảo hiệu năng tản nhiệt. Xung nhịp của phiên bản GTX 1060 Max-Q tối đa từ 1341 MHz đến 1480 MHz, do đó hiệu năng sẽ thấp hơn khoảng 10 – 15% so với phiên bản tiêu chuẩn.
Không loại trừ khả năng Microsoft trang bị GTX 1060 Max-Q cho Surface Book 2 phiên bản 15″, một phần là giúp hệ thống hoạt động mát mẻ hơn, một phần là ít ồn hơn bởi Max-Q cũng giới hạn độ ồn của quạt tản nhiệt dưới 40 dB. Tuy nhiên, dù là GTX 1060 tiêu chuẩn hay Max-Q thì điều chắc chắn là Surface Book 2 bản 15″ sẽ mang lại trải nghiệm chơi game tốt, chúng ta sẽ có thể chơi được nhiều tựa game AAA ở độ phân giải FHD với thiết lập đồ họa cao thay vì chỉ có thể lẹt đẹt với những tựa game eSport kiểu LoL mà Microsoft từng quảng cáo trên Surface Book đời đầu.
Những cải tiến lần này trên Surface Book 2 rất đáng khen, khiến chiếc máy đáng để chờ đợi hơn dù vẫn còn đó một vài thiếu sót. USB-C người dùng đòi giờ đã có, màn hình lớn hơn cũng đã có, cấu hình của Surface Book 2 mạnh hơn đáng kể và đúng như chờ đợi của nhiều người dùng về CPU Core i thế hệ 8 4 nhân, GPU Pascal. Mức giá khi công bố của Surface Book 2 cũng không chênh mấy so với Surface Book 1 nên có thể nói Microsoft sẽ được lòng người dùng ở điểm này.
####